Biên phiên dịch tiếng Nhật: Cơ hội hiện tại & Thách thức tương lai
Phiên dịch tiếng Nhật! Một nghề mà sức hút của nó với các bạn trẻ hiện nay là không thể phủ nhận: cơ hội làm việc dồi dào, môi trường làm việc, đãi ngộ và thăng tiến,… Thế nhưng, có lẽ chỉ người trong nghề mới thực sự hiểu: Để trở thành một phiên dịch viên tiếng Nhật thực thụ đòi hỏi sự quyết tâm hi sinh nhiều mồ hôi và nước mắt, nhưng thành quả thì rất xứng đáng.
- Cơ hội việc làm tiếng Nhật rất hấp dẫn
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “Tuyển dụng nhận sự Tiếng Nhật”, chúng ta có thể nhận được khoảng 1.040.000 kết quả tìm kiếm trả về trong vòng 0,45 giây. Điều này cho thấy nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân sự biết tiếng nhật hiện nay là rất lớn. (Đó còn chưa kể từ sau năm 2012 tối thiểu có từ 80 ~ 90 công ty Nhật đầu tư mới vào Việt Nam, theo Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản). Những cử nhân Ngôn ngữ Nhật sau khi tốt nghiệp, họ đã có thể dễ dàng đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và đạt đến mức thu nhập “khủng” trong các công ty, cơ quan ngoại giao, tổ chức của Nhật Bản. Và nghề phiên dịch tiếng Nhật luôn nằm trong số các vị trí được doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng nhiều nhất. Các công ty làm về du lịch, nhà hàng khách sạn hay công ty thường xuyên mở những đợt tuyển dụng lớn cho vị trí này vì nhu cầu ngày càng gia tăng cùng với làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng về văn hóa, truyền thống, chẳng hạn như kính trọng người lớn và người lớn cư xử nhẹ nhàng với người nhỏ tuổi hơn Điều đó giúp cho người Việt nam thích nghi tốt trong công sở Nhật Bản.
Không những vậy, làm phiên dịch trong môi trường của các công ty Nhật Bản, người Việt Nam còn có cơ hội học hỏi thêm những đức tính nổi bật khác. Ấn tượng đầu tiên trong đầu khi nghĩ về người Nhật chính là sự điềm đạm. Họ không dễ dàng mất bình tĩnh mà từ từ giải quyết theo chiều hướng có lợi cho cả họ và khách hàng. Họ cũng đối xử tốt với nhân viên với một nguyên tắc: “Nhân tài là tài sản và có thể đào tạo nhân tài tại chỗ”.
- Biên phiên dịch tiếng Nhật vô cùng cạnh tranh
Lương thưởng hấp dẫn
Rất nhiều người chọn học tiếng Nhật vì họ nghĩ ra trường khi làm ở công ty Nhật Bản, mức lương nhận được sẽ rất cao. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế làm việc tại các doanh nghiệp Nhật, mọi người sẽ hiểu là họ trả mức lương đúng với đúng công sức mình bỏ ra. Tùy vào mỗi vị trí và trình độ mà mức lương sẽ có sự khác biệt, với vị trí biên phiên dịch – đặc biệt là ở khu công nghiệp – là 600 tới 1000USD.
Nhưng làm phiên dịch tiếng Nhật không hề dễ
Tiếng Nhật thôi vẫn chưa đủ!
Tuy mức lương 400 – 600USD/tháng khá ổn với sinh viên mới ra trường, nhưng không ít người vẫn rơi vào tình trạng bấp bênh do không có chuyên môn cụ thể. Đa phần sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật ra trường chỉ có trình độ tiếng ở mức nhàng nhàng, đủ để giao tiếp; hiếm ai có kiến thức đủ sâu để theo đuổi công việc của một biên phiên dịch viên chuyên nghiệp.
Trong khi đó, làm thông dịch đại trà trong một công ty Nhật không đem lại nhiều cơ hội để họ thực sự tham gia vào lĩnh vực cụ thể nào trong công ty. Có người nhờ dịch cái gì thì chạy tới dịch cái đó, ở đâu cũng nhúng tay chút ít nhưng không phụ trách chính lĩnh vực nào; điều này khiến những biên phiên dịch xuất thân từ chuyên ngành tiếng Nhật có cảm giác thật “nửa mùa”, chẳng khác gì đang nhảy việc ngay trong chính công ty mình vậy.
Những ứng viên phiên dịch tiếng Nhật “nửa mùa” như vậy phải đối mặt với mối lo cạnh tranh ngày một lớn, khi ngoài dân chuyên ngoại ngữ, cũng không hề thiếu những sinh viên đến từ các ngành học khác, có chuyên môn cụ thể hơn, lại được bổ túc thêm tiếng Nhật.
Nếu tất cả những gì cử nhân tiếng Nhật có trong tay chỉ là khả năng ngôn ngữ, liệu họ có bám trụ nổi trên thị trường nhân sự tiếng Nhật trong 5 năm tới?
- Luôn yêu cầu khắt khe về trình độ
Yêu cầu khắt khe về tố chất
Để có được mức lương như vậy và trụ vững với nghề phiên dịch nói chung và phiên dịch tiếng Nhật nói riêng, ứng viên phải cần có những tố chất đa năng để đáp ứng được yêu cầu công việc và phải chịu sức ép từ nhiều mặt: yêu cầu chuyển ngữ chính xác, giới hạn về mặt thời gian, áp lực từ bối cảnh phiên dịch và cả những khó xử đến từ thái độ giữa các bên trong cuộc hội thoại đó. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết nghề biên – phiên dịch cần chuyên môn cao, nhưng bên cạnh đó, cần có kiến thức rộng và sâu về các lĩnh vực mà mình đang được giao nhiệm vụ biên – phiên dịch. “Ngoài ra, bạn phải am hiểu về văn hóa, xã hội, tình hình thời sự… Tiếng Việt của bạn cũng phải giỏi để có thể chuyển ngữ một cách chính xác, uyển chuyển, linh hoạt. Bạn cũng cần có một phản xạ nhanh, một tính cách cẩn thận và chăm chỉ”.
Nỗi niềm riêng của người phiên dịch tiếng Nhật
Vì văn hóa Nhật Bản rất coi trọng tôn ti trật tự trên dưới, cho nên tôn kính ngữ của người Nhật là một trong những nỗi “khiếp sợ” của dân học tiếng Nhật. Tôn kính ngữ được coi là nỗi ám ảnh đối với cả giới trẻ Nhật Bản vì độ khó của nó. Tuy nhiên, trong doanh nghiệp Nhật, nhất là các doanh nghiệp có nhiều người lớn tuổi, họ lại thường dùng tôn kính ngữ, khiêm nhường ngữ để thể hiện sự tôn trọng với đối phương. Điều này dễ khiến dân phiên dịch lao đao.
Thứ hai, tiếng Nhật cũng như tiếng Anh, văn nói và văn viết có những khác biệt khá lớn, nên để phiên dịch được, cần có một quá trình rèn luyện và trau dồi vốn kiến thức không ngừng nghỉ.
Thêm vào đó, phong cách làm việc của người Nhật là diễn giải mang tính dẫn dắt, “có đầu có cuối” trước khi đi vào nội dung chính, dẫn tới khó nắm bắt được nội dung cần truyền đạt chính. Không những vậy, âm gió trong tiếng Nhật và cả tốc độ nói “kinh hoàng” của người Nhật khiến cho cả những người có kinh nghiệm gặp khó khăn.
Lời khuyên thăng tiến trong nghề phiên dịch tiếng Nhật
Theo Thăng Long OSC, có tới 54,7% doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó khăn trong việc tuyển người Việt Nam giỏi tiếng Nhật và có thể hòa hợp phong cách làm việc của người Nhật. Đây là bài toán khó cho nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nguồn nhân lực tiếng Nhật chất lượng cao nói riêng, đòi hỏi ứng viên luôn phải mài dũa nhiều mặt.
Từ xuất phát điểm là không có kiến thức nghề gì cụ thể, sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật cần xác định được thế mạnh cũng như điểm yếu của mình, tìm ra hướng đi rõ ràng để theo đuổi lâu dài. Biết được mình muốn gì rồi, các bạn có thể tập trung đào sâu vào chuyên môn mình thích để khắc phục thiếu sót trong kiến thức, hướng đến tương lai nghề nghiệp ổn định. Chưa được học? Bây giờ hãy bắt đầu học. Luôn nhớ rằng, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu học một cái gì đó. Chuyên môn không phải là thứ chỉ tiếp thu được lúc còn trẻ, đang ngồi trên ghế nhà trường, mà còn có thể tích lũy dần dần thông qua thực hành.
Chị Phạm Kim Hồng, quản lý của văn phòng đại diện công ty Toshin development cho biết cơ hội cho sinh viên thực tập tiếng Nhật tại Việt Nam khá nhiều như làm việc ở các nhà hàng Nhật, làm phiên dịch cho các công ty Nhật, gặp khách du lịch để giao tiếp… Và sinh viên còn có thể làm thêm rất nhiều việc “tay trái” nhờ vốn tiếng Nhật khá như phiên dịch tài liệu cho các công ty, viết mail, dịch hộp sản phẩm… đón khách Nhật, nói chuyện từ sân bay về khách sạn với mức lương từ 200.000 – 400.000 đồng/lần (chia sẻ của một cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật). Trong khi đó, ở Nhật, chưa chắc đã có nhà hàng hay quán ăn nào giúp các bạn trẻ nói tiếng Nhật, vì người Nhật khá bận rộn. Vì vậy, ứng viên tại Việt Nam phải biết nắm bắt cơ hội qua quá trình làm thêm, tham gia các câu lạc bộ và thể hiện sự mạnh dạn giao tiếp.
Có thể nói, không khó để ứng viên tiếng Nhật nói chung và ứng viên phiên dịch tiếng Nhật nói riêng tìm được một công việc. Nhiều trang tin tuyển dụng các vị trí của các công ty Nhật Bản luôn sẵn sàng:
– Japan.vietnamworks.com
Đây là website cung cấp dịch vụ việc làm Vietnamworks.com được hính thức bán 90% cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản kề từ đầu năm 2013. Dự án Japan.vietnamworks.com chính thức được khởi động từ tháng 6/2014, mặc dù sinh sau nở muộn hơn so với nhiều website tuyển dụng việc làm tiếng Nhật khác tại việt Nam; nhưng với tiềm lực có sẵn dự án này đã nhanh chóng có chỗ đứng trong lòng các nhà tuyển dụng.
– Vieclambank.com
Đây là chuyên trang việc làm tiếng Nhật được ra đời rất sớm ở Việt Nam, tại đây bạn có thể tìm được những công việc tiếng nhật ở nhiều cấp độ khác nhau từ mức lương 300$ tới mấy hàng ngàn đô ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
– Viecbonus.com
Đây là cổng thông tin cung cấp các vị trí tuyển dụng thuộc cấp cao tại các công ty công nghệ thông tin hàng đầu của Nhật Bản tại Việt Nam như Framgia, Techbase, CA Advance,…. Hãy tìm hiểu ngay các vị trí phiên dịch tiếng Nhật đang có trên website và fanpage.
Khi đối mặt với con số 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 162.400 cử nhân, thạc sĩ chưa tìm được công việc phù hợp với bản thân (từ Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế), các ứng viên mới và sắp ra trường đã có kế hoạch gì để vượt qua “cơn bão thất nghiệp”? Trở thành phiên dịch tiếng Nhật là một trong những hướng đi lý tưởng để theo đuổi.