Phân biệt subtitle và caption

Nội Dung Chính

Nếu bạn là một fan của phim ảnh thì chắc chắn bạn sẽ rất quen thuộc với việc sử dụng các video có phụ đề (thường gọi là subtitle, đôi khi lại gọi là caption). Thế bạn có biết sự khác nhau giữa subtitle và caption? Kiến thức này cực kỳ cần thiết với các biên dịch viên trong mảng dịch phụ đề video nói chung và phim nói riêng.

Phân biệt subtitle và caption

Subtitle là gì?

Subtitle là loại phụ đề mà chúng ta thường thấy khi xem phim nước ngoài. Phần phụ đề này dịch những đoạn hội thoại ra nhiều thứ tiếng khác nhau để người xem có thể xem ngay cả khi họ không hiểu ngôn ngữ được sử dụng trong phim. Chúng chỉ truyền đạt các đoạn hội thoại chứ không ghi nhận các hiệu ứng âm thanh khác trong phim.

Subtitle là công cụ được sử dụng nhằm hướng đến các thị trường toàn cầu và làm cho nội dung video của bạn có thể tiếp cận dễ dàng với các quốc gia khác.

Caption là gì?

Caption đôi khi được dịch là chú thích, đôi khi gọi chung là phụ đề – một cách gọi dễ gây nhầm lẫn với subtitle. Trong khi subtitle được dành cho người xem không hiểu ngôn ngữ được sử dụng trong video, caption dành cho người xem không nghe được phần tiếng trong video. Caption thể hiện các đoạn hội thoại bằng chính ngôn ngữ được nói, ngoài ra còn ghi chú lại mọi hiệu ứng âm thanh khác như tiếng cười, tiếng thét, tiếng bước chân, âm nhạc, v.v. trong phim.

Subtitle và caption khác nhau thế nào?

Caption được sử dụng để hỗ trợ những người có khả năng nghe bị hạn chế bằng việc truyền đạt tất cả các phần âm thanh bao gồm hiệu ứng âm thanh, nhận dạng của người nói, và các yếu tố không tiếng khác. Ở Mĩ, đối với hầu hết các nội dung trong video, caption buộc yêu cầu phải tuân thủ theo luật pháp. Người dùng có thể thay đổi hình ảnh hiển thị của caption, và vị trí của chúng trên màn hình có thể di chuyển được nhằm tránh việc che mất các hình ảnh trực quan đang được trình bày.

Trong khi đó, hội thoại được dịch trong subtitle không bao gồm bất kỳ một hiệu ứng âm thanh nào. Chúng được dành cho người xem có thể nghe được phần âm thanh, nhưng không thể hiểu ngôn ngữ được sử dụng trong video. Nghĩa là, subtitle thường được biết đến như các bản dịch của hội thoại trong video. Người dùng có thể chọn phụ đề theo từng ngôn ngữ bằng cách nhấp vào biểu tượng CC để lựa chọn.

Mặc dù mục đích của subtitle và caption là khác nhau nhưng cả hai đều  đồng bộ với hầu hết các phần mềm phát và các nền tảng video trực tuyến, cung cấp cho người xem những khả năng bật hoặc tắt chúng đi (đối với phụ đề rời).

Thế nào là “Phụ đề cho người khiếm thính hoặc khả năng nghe bị hạn chế ?

“Phụ đề cho người khiếm thính hoặc khả năng nghe bị hạn chế” (Subtitles for the Deaf and Hard of Hearing), gọi tắt là “SDH”, là phụ đề bằng ngôn ngữ được sử dụng trong video, bao gồm các hiệu ứng âm thanh không mang tính hội thoại và nhận dạng của người nói. Chúng được hiển thị trong định dạng giống như subtitle. SDH hướng tới mục đích mang lại sự thuận tiện trên các thiết bị không hỗ trợ caption đóng cho người xem bị khiếm thính hoặc khả năng nghe bị hạn chế.

Có phải phụ đề đều giống nhau ở khắp nơi ?

Ở các nước khác ngoài Mỹ và Canada, subtitle và caption được sáp nhập thành một. Nói cách khác, việc sử dụng thuật ngữ “subtitle” không phân biệt giữa phụ đề sử dụng cho việc hỗ trợ ngoại ngữ và phụ đề sử dụng để hỗ trợ cho người khiếm thính hoặc khả năng nghe bị hạn chế. Điều này có vẻ giống với ở Việt Nam, nơi chúng ta cũng chỉ gọi chung là “phụ đề” và đa phần chúng ta hiểu nó theo nghĩa “subtitle” – phụ đề hỗ trợ ngoại ngữ. Vì vậy, khi làm việc với đối tác nước ngoài trong các dự án dịch thuật video clip và làm phụ đề cho video, hãy nhớ làm rõ khái niệm của họ để tránh nhầm lẫn đáng tiếc.

Rate this post